Viêm họng là bệnh rất phổ biến về chuyên khoa tai mũi họng. Do phổ biến nên nhiều người dễ chủ quan trong phòng ngừa và điều trị, dẫn đến tình trạng dai dẳng hoặc biến chứng nghiêm trọng. Vậy bệnh viêm họng điều trị như thế nào?
Viêm họng là bệnh gì?
Viêm họng là viêm niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc ở họng. Viêm họng được phân loại thành viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính.
– Viêm họng cấp tính rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Viêm họng đỏ cấp thường bắt đầu bằng sự nhiễm virus. Sau đó do độc tố của virus, cấu trúc giải phẫu của amidan và sức đề kháng của cơ thể đã gây nên sự bội nhiễm các tạp khuẩn khác, thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu và đặc biệt nguy hiểm là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Các triệu chứng bao gồm sốt vừa hoặc sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn; đau họng nhất là khi nuốt, có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy.
Nếu là do virus, bệnh thường kéo dài 3-5 ngày thì tự khỏi, các triệu chứng giảm dần. Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng.
>>> Xem thêm: Viêm họng cấp là gì ? Kiến thức tổng hợp về bệnh
– Viêm họng mạn tính là tình trạng viêm họng kéo dài. Nguyên nhân có thể là do viêm mũi xoang mạn tính, viêm amidan mạn tính, hội chứng trào ngược, tắc mũi mạn tính, do tiếp xúc với khói bụi và các chất kích thích, hoặc do cơ địa dị ứng… Tiên lượng viêm họng mạn tính điều trị dai dẳng, dễ tái phát nếu không loại bỏ được nguyên nhân.
Cách điều trị viêm họng
Đối với viêm họng cấp tính, nguyên tắc là mọi trường hợp viêm họng đỏ cấp đơn thuần ở bệnh nhân trên 3 tuổi đều phải được điều trị như một viêm họng đỏ cấp do liên cầu khi không có xét nghiệm xác định loại virus hoặc vi khuẩn.
− Kháng sinh nhóm beta lactam hoặc các nhóm khác.
− Điều trị triệu chứng: giảm viêm, giảm đau, hạ sốt.
− Điều trị tại chỗ: bôi họng, súc họng, khí dung họng.
− Xác định nguyên nhân để điều trị.
Cụ thể, điều trị toàn thân: dùng thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol, aspirin…; kháng sinh như amoxicillin, cephalexin, erythromycin, clarithromycin…; kháng viêm như alphachymotrypsin, prednisolon 5mg. Điều trị tại chỗ gồm xông họng và súc họng. Ngoài ra, cơ thể cũng cần bổ sung các yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin… để nâng cao sức đề kháng.
Đối với viêm họng mạn tính, chủ yếu là điều trị tại chỗ và điều trị triệu chứng, kết hợp điều trị các nguyên nhân bệnh lý toàn thân khi nghĩ tới.
Nếu nguyên nhân do hội chứng trào ngược thì dùng thuốc kháng H+: omeprazol, lansoprazol…, thuốc kháng H2: cimetidin, ranitidin…, kháng dopamin: domperidon…
Điều trị triệu chứng gồm các nhóm thuốc:
− Thuốc làm lỏng chất nhầy như: bromhexin, acetylcystein…
− Thuốc kháng viêm: alphachymotrypsin, lysozyme…
− Thuốc chống dị ứng: các thuốc kháng histamin như cetirizin, clorpheniramin…
− Thuốc giảm ho: thảo dược
Điều trị tại chỗ gồm:
− Thể viêm họng xuất tiết: bôi, súc họng các thuốc làm se niêm mạc, kiềm tính,
giảm viêm giảm đau: glycerine iod, SMC…
− Thể viêm họng teo: bôi họng, súc họng bằng các thuốc (loại có iod loãng,
thuốc dầu), hoặc bằng nước khoáng.
− Khí dung họng: các dung dịch giảm viêm.
− Nhỏ mũi, rửa mũi: bằng nước muối sinh lý, nước biển sâu…
Ngoài ra cũng kết hợp thay đổi lối sống, môi trường sinh hoạt, làm việc nếu có thể và bổ sung vitamin C, A, D.
>>> Xem thêm: Viêm họng mãn tính nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị
Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn thông tin hữu ích trong việc điều trị viêm họng. Viêm họng tuy phổ biến nhưng bạn không nên chủ quan, cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm khi có biểu hiện rõ ràng, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.