Trong chúng ta hầu như ai cũng ít nhất có một vài lần bị khản tiếng nên nhiều người cho rằng đó là hiện tượng bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây khản tiếng nhưng khi đã bị khản tiếng thường xuyên thì lúc đó cần cảnh giác bởi nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm.
Khản tiếng là gì?
Khản tiếng (khó phát âm) là thuật ngữ được dùng để miêu tả hiện tượng giọng bị khản, nói thều thào, giọng nói thô ráp hoặc âm thanh phát ra không mượt mà. Khản tiếng thường do viêm nhiễm đường hô hấp trên, chủ yếu từ virus.
Những ai dễ bị khản tiếng?
Khản tiếng rất phổ biến, cứ 3 người sẽ có 1 người mắc bệnh này vào một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên khản tiếng dễ xảy ra với những người có tính chất nghề nghiệp phải nói nhiều như: giáo viên, buôn bán, ca sĩ, nghệ sĩ, nhân viên tổng đài… Những người này thường xuyên phải phát ra âm thanh nên nếu hoạt động nói hoặc hát quá mức sẽ làm tổn thương dây thanh quản và bị khản tiếng.
Ngoài ra, khản tiếng cũng có thể xảy ra với các trường hợp:
– Hút thuốc lá hoặc uống rượu bia suốt một thời gian dài.
– Mắc các bệnh lý đường hô hấp trong thời gian dài làm cho dây thanh quản bị xung huyết, phù nề.
Khản tiếng ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Hầu hết khản tiếng thường không nguy hiểm và tự khỏi sau 2 tuần. Nhưng nếu đã điều trị mà tình trạng khản tiếng vẫn tiếp diễn sau 3 tuần hoặc lâu hơn kèm theo các biểu hiện: đau khi nói hoặc nuốt, khó thở, ho ra máu, mất giọng hoàn toàn trong hơn một vài ngày thì bạn cần đến bệnh viện thăm khám. Bởi vì rất có thể, khản tiếng kéo dài như vậy là một dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn chẳng hạn như:
– Viêm amidan: Tác nhân của bệnh lý này là virus, vi khuẩn. Người bị viêm amidan kéo dài sẽ thường xuyên khản tiếng, đau họng, sốt, khó thở,… Chính vì tình trạng viêm nhiễm ở đây kéo dài và hay lặp lại nên dây thanh quản mới dễ bị tổn thương từ đó sinh ra khản tiếng.
– Hạt xơ dây thanh quản: Sự tổn thương xảy ra ở dây thanh quản làm xuất hiện khối u nhỏ mọc đối xứng gọi là hạt xơ dây thanh quản. Người mắc bệnh lý này thường có triệu chứng: khản tiếng thường xuyên, đau họng kéo dài,…
– Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (hay còn gọi là GERD): Đây là bệnh lý dễ khiến cho dây thanh quản và niêm mạc họng bị tổn thương vì chất dịch axit trong dạ dày trào ngược lên vòm họng. Hệ quả của nó là người bệnh có triệu chứng đau họng, khản tiếng, mất giọng. Triệu chứng khản tiếng có xu hướng nặng vào buổi sáng.
– Viêm thanh quản: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây khản giọng. Những người làm công việc phải nói quá nhiều, nói to trong suốt một thời gian dài rất dễ bị viêm dây thanh quả, dẫn đến hiện tượng khản tiếng thường xuyên.
– Polyp hoặc u nang dây thanh âm: Khối u trên dây thanh âm cũng được xem là nguyên nhân gây ra hiện tượng khản tiếng, giọng nói yếu, khó nói. Bệnh lý này cần được điều trị sớm bởi nếu kéo dài nó có thể gây mất tiếng hoàn toàn.
– Dị ứng: Tiếp xúc với một số tác nhân gây dị ứng như: lông động vật, khói bụi, phấn hoa,… hay thay đổi thời tiết khiến nhiều người bị ngứa mắt, chảy mũi. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho vi khuẩn tấn công vòm họng và sinh ra đau rát ở cổ họng, khản tiếng.
– Bệnh lý tuyến giáp: Bệnh lý tuyến giáp cũng rất dễ gây khản tiếng kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyến giáp phình to và chèn ép vùng cổ, khiến cho họng bị nghẹn và giọng nói cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
– Bệnh ung thư: Nguy hiểm nhất của hiện tượng khản tiếng thường xuyên phải nói đến nguy cơ cảnh báo một số bệnh ung thư như: ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư trung thất,…
Nhiều nghiên cứu cho thấy bị khản tiếng trên 3 tuần có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản. Bệnh lý này càng nghiêm trọng thì mức độ khản tiếng càng tăng đồng thời người bệnh cũng sẽ có một số triệu chứng như: ho ra máu, khó thở, khó nuốt, họng bị đau,… Kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh, đe dọa trực tiếp đến sự sống.
Khản tiếng trong thời gian dài nếu không tìm ra căn nguyên và điều trị đúng cách thì rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm như đã nói đến ở trên. Do đó, nếu muốn bảo vệ mình thì tốt nhất không nên chủ quan mà hãy chủ động gặp bác sĩ để tìm ra phương án xử trí hiệu quả.
Tham khảo bài viết khác: Tất tần tật về chứng “ho” bạn nhất định phải biết.