Ho là một phản xạ quan trọng để loại bỏ các chất kích thích khỏi cổ họng và đường hô hấp. Mặc dù phản xạ này là có lợi nhưng nó vẫn có thể gây khó chịu nếu kéo dài suốt cả ngày. Nếu mới bị ho, thay vì tìm đến các đơn thuốc không kê đơn, bạn có thể cân nhắc lựa chọn trị ho bằng phương pháp tự nhiên.
1. Mật ong
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng mật ong có tác dụng trị ho, viêm họng rất tốt. Vì ho là phản xạ tự nhiên khi cổ họng bị kích thích nên mật ong có thể giúp giảm ho bằng cách giảm kích ứng cổ họng. Ngoài ra, mật ong còn có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn, góp phần làm giảm các triệu chứng viêm họng. Để dùng mật ong trị ho, bạn hãy pha hai thìa cà phê mật ong với nước ấm hoặc nước chanh, uống một đến hai lần một ngày.
2. Hạt tiêu đen mật ong
Nếu bị ho có đờm, bạn có thể thử kết hợp hạt tiêu đen và mật ong. Vì hạt tiêu thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và lưu thông chất nhầy, trong khi mật ong lại có tác dụng giảm ho tự nhiên. Cách làm như sau: trộn vài hạt tiêu đen mới xay cùng hai thìa mật ong hòa vào nước sôi, uống lúc còn ấm.
3. Rễ cam thảo
Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, tính bình, giúp nhuận phế chỉ ho. Các nghiên cứu chứng minh rễ cam thảo có đặc tính kháng virus, kháng nấm và kháng khuẩn. Để giảm ho, rễ cam thảo được ngâm trong nước nóng, trà hoặc siro để uống. Nếu bạn bị huyết áp cao thì nên tránh sử dụng rễ cam thảo vì nó có tác dụng phụ gây cao huyết áp.
Rễ cam thảo vị ngọt, giúp nhuận phế chỉ ho
4. Cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương (Thymus vulgaris) từ lâu đã được sử dụng phổ biến ở châu Âu như một phương thuốc chữa ho khan. Nó chứa hoạt chất flavonoid có đặc tính giảm viêm. Các nghiên cứu trên bệnh nhân viêm phế quản cấp tính cho thấy sự kết hợp cỏ xạ hương với các loại thảo mộc khác cho hiệu quả giảm ho tốt, ví dụ như hoa anh thảo, lá thường xuân.
Cỏ xạ hương được dùng chữa ho phổ biến ở các nước ôn đới
5. Tinh dầu
Khi tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho thuốc giảm ho không kê đơn thông thường, bạn có thể sử dụng một số loại tinh dầu, chẳng hạn như:
– Tinh dầu khuynh diệp:
Khuynh diệp (Eucalyptus globulus) thường có trong các sản phẩm giảm ho trên thị trường. Một trong những thành phần chính của tinh dầu khuynh diệp là 1,8-cineol, có đặc tính giảm viêm và chống vi khuẩn.
– Tinh dầu hương thảo:
1,8-cineol cũng là thành phần của cây hương thảo (Rosmarinus officinalis) nên có tác dụng kháng khuẩn và giảm viêm.
– Tinh dầu nhục đậu khấu:
Hạt nhục đậu khấu, còn được gọi là Myristica fragrans, có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và giảm viêm. Tinh dầu nhục đậu khấu được coi là hữu ích đối với các vấn đề hô hấp như hen suyễn, dị ứng và thở khò khè. Ngoài ra, nó còn giúp trị ho và cảm lạnh.
– Tinh dầu bạc hà:
Bạc hà tên khoa học là Mentha piperita, chứa tinh dầu bạc hà, có thể giúp giảm đau họng. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hít tinh dầu bạc hà có thể kiểm soát phản ứng ho khi đường hô hấp bị kích thích. Cần lưu ý không dùng tinh dầu bạc hà cho trẻ sơ sinh vì có thể gây ức chế hô hấp.
Tinh dầu nguyên chất có hiệu quả cao và thường cần phải pha loãng trước khi sử dụng. Bạn có thể thử các phương pháp pha loãng sau:
+ Trộn một vài giọt tinh dầu với dầu nền (ví dụ như dầu ô liu, dầu hướng dương hoặc hạnh nhân ngọt) và thoa trực tiếp lên da.
+ Để dùng đường hít, hãy sử dụng máy khuếch tán tinh dầu, máy tạo độ ẩm hoặc bình xịt để phân tán nó vào không khí.
Vì hoạt tính cao của tinh dầu nên phải thận trọng khi cân nhắc sử dụng cho trẻ em. Da của trẻ em mỏng hơn và gan kém trưởng thành hơn người lớn. Vì vậy, một số loại tinh dầu được coi là không an toàn cho trẻ em. Trong số các loại tinh dầu được đề cập ở đây để giảm ho, bạn không nên dùng hương thảo, khuynh diệp và bạc hà cho trẻ em.
6. Nước muối
Súc miệng bằng nước muối là một trong những cách hiệu quả nhất để điều trị viêm họng và ho có đờm. Nước muối làm giảm đờm và chất nhầy ở phía sau cổ họng, làm giảm nhu cầu ho. Cách pha và sử dụng nước muối súc miệng như sau:
- Thêm nửa muỗng cà phê muối vào 250 ml nước ấm, khuấy cho đến khi tan hoàn toàn.
- Để dung dịch nguội một chút trước khi dùng để súc miệng.
- Giữ hỗn hợp đọng lại trong cổ họng một lúc rồi nhổ ra.
Bạn nên súc miệng bằng nước muối nhiều lần trong ngày cho đến khi cơn ho thuyên giảm. Tránh cho trẻ nhỏ dùng nước muối vì trẻ có thể chưa biết súc miệng đúng cách và nuốt nước muối gây nguy hiểm.
7. Bromelain
Bromelain là một loại enzyme có nguồn gốc từ dứa. Nó có đặc tính chống viêm và làm loãng chất nhầy, do đó làm loãng đờm và giảm ho. Một số người uống nước ép dứa hàng ngày để giảm chất nhầy trong cổ họng và trị ho. Tuy nhiên, lượng bromelain trong nước ép dứa có thể không đủ để giảm triệu chứng, bạn có thể dùng thực phẩm bổ sung bromelain để trị ho hiệu quả hơn.
Một nhóm người khác có cơ địa dị ứng với bromelain, và chất này cũng có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với thuốc. Bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu hoặc một số loại kháng sinh thì không nên dùng bromelain.
Quả dứa có chứa bromelain – chất giảm viêm hiệu quả
Trên đây là một số cách trị ho bằng phương pháp tự nhiên. Tuy nhiên, nếu cơn ho nghiêm trọng hoặc kéo dài, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Bên cạnh đó, việc phòng bệnh nên được chú trọng, như tránh tiếp xúc với người bệnh, rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh nơi ở, uống đủ nước, tập thể dục thường xuyên, ăn uống hợp lý để nâng cao hệ miễn dịch.
Bài viết liên quan: 5 loại cây trong vườn nhà giúp trị ho nhanh