Ho khan là một triệu chứng phổ biến, thường xuất hiện sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm, đặc biệt trong mùa lạnh. Tuy nhiên, ho khan kéo dài có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vậy ho khan kéo dài có sao không? Cách phòng tránh ho khan như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Ho khan là bệnh gì?
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với các chất kích thích, đây cũng là cơ chế tự bảo vệ của phổi nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh như: khói bụi, virus, vi khuẩn, dị vật… Khác với ho có đờm, ho khan là tình trạng người bệnh ho không khạc ra đờm hoặc chất nhầy mặc dù ho nhiều và dữ dội. Hiện tượng này có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.
Tình trạng ho khan diễn ra từ 3 ngày đến 1 tuần được gọi là ho khan cấp tính. Khi tình trạng này kéo dài trên 4 tuần ở trẻ em và 8 tuần ở người lớn được gọi là ho khan mạn tính.
2. Ho khan kéo dài có sao không?
Ho khan kéo dài trong nhiều trường hợp là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như: bệnh về đường thanh quản, viêm tai, viêm xương chũm mạn tính. Nghiêm trọng hơn, ngứa cổ ho khan còn là triệu chứng của các bệnh về phổi như: xơ phổi, phù phổi bán cấp, ung thư phổi, lao phổi. Cụ thể bao gồm:
2.1. Ho kéo dài vào ban đêm
Triệu chứng ho khan, ngứa họng và ho dai dẳng liên tục khi ngủ, đặc biệt vào ban đêm có thể do bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng cấp, viêm phế quản… Các bệnh này khiến niêm mạc đường hô hấp bị viêm, làm kích thích gây ho. Hoặc do một số bệnh lý đường hô hấp mạn tính như hen suyễn, viêm xoang…
Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), acid dạ dày trào ngược lên thực quản gây kích thích niêm mạc thực quản và khiến người bệnh bị ho khan. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây ra ho khan kéo dài như: khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, một số loại thuốc…
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh: khiến người bệnh không thể ngủ sâu giấc, dẫn đến mệt mỏi, khó chịu, mệt mỏi và dễ cáu kỉnh, khó tập trung vào công việc.
2.2. Ho thành từng cơn
Ho thành từng cơn là một triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt là bệnh ho gà. Bệnh nhân sẽ ho liền một cơn, sau đó hít một hơi dài và tiếp tục ho từng cơn nữa, kèm theo các biểu hiện khó thở, đỏ mặt, đau ê ẩm ngực, lưng và bụng khi ho mạnh. Cơn ho dai dẳng, liên tục này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh như: hen phế quản, viêm phế quản dị ứng…
2.3. Ho khan kèm theo máu
Ho ra máu là một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng, đặc biệt khi:
- Ho ra nhiều máu.
- Máu tươi đỏ hoặc có vệt máu tươi.
- Kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, đau ngực, sốt, sút cân…
Nếu không được điều trị kịp thời, ho ra máu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, sốc, thậm chí là tử vong.
3. Cách phòng tránh
Để phòng ngừa ho khan, chúng ta cần giữ cổ họng khỏe mạnh bằng một số cách như:
- Chế độ ăn uống: Tránh các thực phẩm kích ứng: Các loại hạt cứng, đồ cay nóng, đồ uống có gas, rượu bia, cà phê… Uống đủ nước.
- Chế độ sinh hoạt: giữ ấm mũi, họng bằng cách mặc ấm khi thời tiết lạnh, vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn…
- Tập luyện: Tập thể dục đều đặn kết hợp với các bài tập thở giúp làm thông thoáng đường thở, giảm ho.
- Môi trường sống: Giữ nhà cửa sạch sẽ: Lau chùi nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là những nơi có nhiều bụi bẩn như giường chiếu, rèm cửa… Sử dụng máy lọc không khí.
- Các biện pháp khác: Nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế căng thẳng…
Ho khan kéo dài gây nhiều phiền toái cho người bệnh và tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe. Khi người bệnh bị ho liên tục không dứt, ngứa cổ họng kéo dài kèm theo sốt, ho có đờm màu xanh hoặc nâu, ho ra máu, người tím tái. Nếu tình trạng kéo dài trên 5 ngày cần đi thăm khám bác sĩ để chẩn đoán, và xác định nguyên nhân cụ thể để có phương pháp điều trị hiệu quả.
>>> Xem thêm: Điều trị ho khan như thế nào cho hiệu quả?