Biến đổi thời tiết khiến ngày càng nhiều trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, phần lớn có ho. Trẻ bị ho không những mang đến vô số rắc rối cho cha mẹ, mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập, vui chơi của trẻ. Thông thường trẻ bị ho bao lâu thì khỏi, hãy cùng chúng tôi giải đáp thắc mắc qua bài viết này.
1. Ho tốt hay xấu?
Ho là một phản xạ bảo vệ của cơ thể. Khi đường hô hấp và phổi bị nhiễm một số vi sinh vật gây bệnh, chức năng tiết đờm của niêm mạc đường hô hấp sẽ được tăng cường, dẫn đến lượng đờm tăng lên. Lúc này, ho là phản ứng tích cực của cơ thể đối phó với bệnh tật. Đờm từ đường hô hấp dưới có thể được tống ra ngoài khi ho, mang theo một lượng vi sinh vật gây bệnh và các yếu tố gây viêm nhất định, từ đó làm giảm tác hại của các yếu tố này đối với đường hô hấp và có ích cho quá trình phục hồi bệnh. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, ho có lợi.
Tuy nhiên, nếu cơn ho chủ yếu là do tắc nghẽn và phù nề niêm mạc đường hô hấp, hoặc ho do bị kích ứng kéo dài, khiến trung tâm ho ở trạng thái hưng phấn cao độ trong thời gian dài thì cơn ho lúc này sẽ trở nên bất lợi với cơ thể.
2. Điều trị ho dựa vào nguyên nhân
Hầu hết bệnh ho của trẻ là do virus và vi khuẩn tấn công dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc khí quản, phế quản, và thường kèm theo các triệu chứng như nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng, sốt… Ngoài ra, trẻ bị viêm xoang, có dị vật trong phế quản, mắc bệnh lao và viêm cơ tim cũng có thể là nguyên nhân gây ho. Vì nguyên nhân gây ho rất phức tạp và đa dạng, ho cũng có ưu và nhược điểm nên không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng cách uống thuốc ho mà cần phải phân tích nguyên nhân gây ho và sử dụng thuốc hợp lý theo nguyên nhân mới có thể đạt được kết quả tốt.
Một số cha mẹ vội vàng cho con uống thuốc ho, kháng sinh ngay khi thấy con ho. Điều này là sai lầm. Ho cấp tính ở trẻ em dù là do nhiễm trùng đường hô hấp nhưng phần lớn là do nhiễm virus, kháng sinh chỉ có tác dụng chống nhiễm trùng do vi khuẩn. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh lâu dài và lặp đi lặp lại có thể gây ra phản ứng có hại và kháng thuốc.
3. Trẻ bị ho bao lâu thì khỏi?
Cơn ho của trẻ thường thuyên giảm sau 1 – 2 tuần, nhưng thời gian cụ thể cần được đánh giá tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Nếu ho do cảm lạnh, thường sẽ khỏi trong khoảng 5 ngày. Một khi nguyên nhân được xác định và điều trị tích cực bằng thuốc, các triệu chứng ho sẽ cải thiện trong khoảng 5 ngày và muộn nhất là không quá 1 tuần.
Nếu ho do viêm phổi thùy, triệu chứng ho có thể kéo dài 1-2 tuần. Nếu ho do viêm tiểu phế quản ở trẻ em, bệnh thường khỏi sau khoảng 7 ngày. Cha mẹ có thể dùng thuốc giảm ho và giảm đờm như ambroxol hydrochloride và siro ho cho trẻ. Khi chọn thuốc, cha mẹ phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và chú ý đến thành phần của thuốc.
Nếu ho dai dẳng và nặng, kéo dài hơn 3 tuần, cha mẹ nên chú ý đến khả năng mắc bệnh hen suyễn dạng ho. Căn bệnh này ngày càng phổ biến ở trẻ em trong những năm gần đây, với biểu hiện chính là ho nhưng lại là một phần cơ chế bệnh sinh của bệnh hen suyễn, đặc biệt khi cơn ho trầm trọng hơn về đêm. Trường hợp này cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán rõ ràng.
Để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, cha mẹ hãy chú ý giữ ấm cho trẻ để tránh bị cảm lạnh. Bên cạnh đó, nên cho trẻ uống nhiều nước ấm, ăn nhiều rau và trái cây tươi và tránh các thực phẩm cay và nhiều dầu mỡ để không ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bệnh.
>>> Bài viết liên quan: Cần làm gì khi bé bị ho do viêm phế quản?