Theo thống kê, hầu như người trưởng thành nào cũng sẽ bị viêm họng ít nhất 1 đến 2 lần trong một năm với các triệu chứng viêm, đỏ, sưng tấy và đau đớn. Tuy nhiên chỉ có 30% bệnh nhân viêm họng chủ động tìm kiếm sự trợ giúp y tế, số còn lại tự dùng thuốc hoặc tìm kiếm các phương pháp khác. Thuốc kháng sinh là một trong những phương pháp điều trị thường bị lạm dụng. Liệu viêm họng có nên dùng kháng sinh ngay?
Viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng viêm tại tổ chức niêm mạc và dưới niêm mạc ở họng. Đây là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang v.v… hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây của đường hô hấp trên như cúm, sởi…
Viêm họng bao gồm viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính.
Nguyên nhân gây viêm họng
Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây viêm họng là do nhiễm trùng, do vi khuẩn hoặc virus. Khoảng 50% đến 80% các trường hợp viêm họng hoặc đau họng có triệu chứng có nguồn gốc từ virus và bao gồm nhiều loại mầm bệnh do virus. Những mầm bệnh này chủ yếu là Rhovirus, cúm, Adenovirus, Coronavirus và Parainfluenza. Nhiễm vi khuẩn phổ biến nhất là liên cầu khuẩn tan máu beta nhóm A, gây ra 5% đến 36% trường hợp viêm họng cấp tính. Dị ứng môi trường và phơi nhiễm hóa chất cũng có thể gây viêm họng cấp tính.
Viêm họng lây lan qua dịch tiết ra ở vùng mũi, họng, miệng như nước bọt, giọt bắn qua giao tiếp, chảy nước mũi.
Triệu chứng của viêm họng
Viêm họng cấp tính thường xảy ra đột ngột và gây ra các triệu chứng như:
- Đau rát họng, nhất là khi nuốt, kể cả khi nuốt chất lỏng.
- Khi nuốt, ho, nói thì đau nhói lên tai.
- Có thể ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm nhầy.
- Sốt vừa hoặc sốt cao, đau mình mẩy, mệt mỏi, chán ăn.
Viêm họng mạn tính thường hay tái phát khi bị cảm lạnh, cúm… với các triệu chứng:
- Sốt, mệt mỏi, đau rát họng. Cảm giác thường gặp nhất là khô họng, mắt đau, ngứa và vướng họng. Những cảm giác này rõ nhất vào buổi sáng lúc mới thức dậy.
- Nuốt có cảm giác vướng và đau.
- Tiếng có thể khàn nhẹ hoặc bình thường. Những bệnh nhân uống rượu, thuốc lá, hoặc nói nhiều thì triệu chứng trên tăng thêm.
- Nóng rát vùng ngực ở bệnh nhân có bệnh dạ dày, trào ngược dạ dày, thực quản.
Khi bị viêm họng có nên dùng kháng sinh ngay không?
Hầu hết các bệnh viêm họng, ngoại trừ viêm họng do liên cầu khuẩn, đều không cần dùng kháng sinh.
Đối với cả trẻ em và người lớn, việc sử dụng kháng sinh ngay khi có triệu chứng bệnh viêm họng là không cần thiết lại gây tốn kém và có thể tiềm ẩn nguy cơ kháng thuốc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân.
Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, khoảng 70 – 80% trẻ em bị viêm họng là do virus, chỉ có khoảng 1/3 các trường hợp còn lại là viêm họng do vi khuẩn (chủ yếu là do liên cầu khuẩn). Nếu virus gây đau họng, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng. Việc dùng kháng sinh khi không cần thiết còn khiến bạn có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ liên quan đến kháng sinh (như tiêu chảy) và góp phần gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Do đó, chỉ có những bệnh nhân bị viêm họng liên quan đến vi khuẩn mới cần đến kháng sinh và những trường hợp viêm họng có nguyên nhân từ virus thì không cần dùng kháng sinh.
Thông thường, viêm họng do virus thường sẽ tự khỏi, triệu chứng đau họng sẽ hết trong vòng 5-7 ngày, còn ho và sổ mũi có thể kéo dài 2-3 tuần. Thay vì sử dụng kháng sinh, bệnh nhân cần điều trị triệu chứng. Cụ thể như sau:
- Khi cơ thể có biểu hiện ho, đau họng, chảy nước mũi,… bạn nên nghỉ ngơi và theo dõi tại nhà. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh và làm thông thoáng mũi, miệng họng, tránh khói thuốc lá, tránh bụi và ô nhiễm. Việc ăn thức ăn dạng lỏng, mềm như cháo, súp,… và uống thật nhiều nước ấm sẽ giúp làm loãng dịch đờm. Sử dụng siro ho, viên ngậm, xịt họng là cách phổ biến giúp giảm ho, ngứa rát họng. Nếu xuất hiện những biểu hiện bệnh nghiêm trọng, bạn có thể đi khám để được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Trong trường hợp sốt cao, bạn hoặc người thân sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Nếu bạn có biểu hiện ho nhiều, nên được đưa đi khám để các bác sĩ kê loại thuốc ho phù hợp.
- Trong trường hợp có biểu hiện viêm họng do liên cầu khuẩn như sốt cao, đau đầu, đau bụng, sưng hạch cổ, có chất xuất tiết ở họng,… thì bạn cũng không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê những loại thuốc kháng sinh phù hợp.
Cách phòng ngừa viêm họng khi giao mùa
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm, cảm lạnh…
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ để tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch.
- Phòng hộ lao động tốt. Bỏ thuốc lá và rượu. Vệ sinh răng miệng tốt. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em.
Bài viết liên quan: Cách chữa viêm họng không dùng thuốc kháng sinh